Dấu hiệu lâm sàng

Tôm được phát hiện nhiễm vi bào tử trùng microsporidian lần đầu vào giai đoạn 15 – 20 sau khi thả giống trong ao nuôi thịt. Tôm nhiễm bệnh có nhiều phần trên cơ thể chuyển sang màu trắng đục hay màu sữa. Khi tôm lớn dấu hiệu lâm sàng này càng dễ dàng quan sát hơn, đặc biệt ở phần lưng từ gan tụy đến phần giữa thân. Tuy nhiên, vài con cũng bị đục cơ ở phần đốt cuối cơ thể. Những đám, vệt lớn màu trắng đục trên những con tôm bị nhiễm bệnh cho thấy chúng thay thế cơ thịt cũng như những cơ quan khác như gan tụy, dạ dày và cơ quan bạch huyết (Lymphoid organ).

Sự thay đổi mô bệnh học của tôm bị nhiễm vi bào tử trùng

Sự thay đổi mô bệnh học trên những con tôm bị bệnh từ hệ gan tụy và cơ thịt của nhóm tôm bị nhiễm bệnh sau 30 ngày thả nuôi cho thấy những đám màu trắng lớn của vi bào tử trùng microsporiadian dần dần thay thế hệ gan tụy và các cơ quan khác bao gồm dạ dày và phần cơ bụng trong khi nhóm những con tôm bị nhiễm vi bào tử trùng ở phần cơ cho thấy cơ bị thay thay thế dần bởi vi bào tử trùng. Ở giai đoạn 45, 60, 75, 90, 105 và 120 ngày tuổi thay đổi mô bệnh học cho thấy sự lây nhiễm vi bào tử trùng càng trở nên nghiêm  trọng hơn khi chúng gần như thay thế hoàn toàn hệ gan tụy. Ống gan tụy của những con tôm bị nhiễm bệnh nặng bị giãn rộng và hoại tử.

Ảnh hưởng của bệnh đến tốc độ tăng trưởng

Báo cáo của Prasertsri và cộng sự cho thấy tôm thẻ chân trắng bị nhiễm vi bào tử trùng trên gan tụy và trên cơ bụng đều có trọng lượng thấp nhất một cách có ý nghĩa so với tôm chỉ bị nhiễm trên cơ bụng và tôm khỏe mạnh tại thời điểm lấy mẫu là giai đoạn 45 ngày sau khi thả giống và trong suốt thời gian 120 ngày nuôi. Tôm chỉ bị nhiễm vi bào tử trùng trên cơ bụng thì có trọng lượng thấp hơn một cách có ý nghĩa so với tôm khỏe mạnh. Tôm bị bệnh nặng, đặc biệt là với những con bị nhiễm trên cả hệ gan tụy và cơ thì bị mềm vỏ và chậm phát triển hơn so với những nhóm còn lại. Mặc khác những con tôm bị bệnh nặng rất yếu vì vi bảo tử trùng đã xâm chiếm phần lớn hệ gan tụy và những cơ quan cần thiết cho sự sống quan trọng khác. Chính vì thế mà tôm sẽ giảm ăn, giảm trao đổi chất và chậm phát triển. Khi vào giai đoạn tuổi 75 - 105 ngày, tỷ lệ lưu hành bệnh giảm rõ rệt trong chài kiểm tra vì chúng đã chết dần và bị ăn thịt bởi những con tôm khỏe mạnh khác. Sau khi thu hoạch vào ngày 120, sản lượng và tỷ lệ sống có liên quan đến tỷ lệ cảm nhiễm vi bào tử trùng. Ao 2 có sản lượng cao nhất vì tỷ lệ cảm nhiễm thấp nhất.

Việc kiểm tra, kiểm soát mầm bệnh từ tôm giống là hết sức quan trọng. Ở cơ sở nuôi tôm, công tác chuẩn bị ao có vai trò rất quan trọng trong việc phòng bệnh do EHP có sức chống chịu cực tốt đối với các phương pháp khử trùng thông thường nên rất khó để loại thải mầm bệnh ra khỏi hệ thống. Có nghiên cứu cho rằng EHP có thể tồn tại sau khi đã xử lý chlorin ở 100 ppm, đồng thời cũng có khuyến cáo cho rằng nên sử dụng vôi nóng (CaO) xử lý ao để có thể đạt độ pH đáy ao trong quá trình cải tạo cao hơn 11 - 12 để làm chết mầm bệnh EHP.