Hieuloc Aqua: Oxy hòa tan đóng vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của tôm nuôi. Hiện nay, các hộ nuôi tôm thường sử dụng máy quạt nước, sục khí, thổi khí đáy...để cung cấp lượng oxy hòa tan vào ao nuôi của mình. Tuy nhiên, chi phí để duy trì hệ thống này suốt các vụ nuôi là không hề thấp. Trong quá trình nuôi tôm không ít bà con gặp tình trạng ao nuôi xuất hiện các chất rắn lơ lửng. Các chất này là gì, liệu có nguy hiểm cho sức khỏe của tôm không? Hãy cũng Aqua Hiếu Lộc tìm hiểu bài viết dưới đây, để biết được biện pháp phù hợp đối với hai vấn đề trên nhé!

Biện pháp tăng cường nồng độ oxy hòa tan trong ao nuôi

Khi lượng oxy hòa tan trong nước thấp, tốc độ tăng trưởng của tôm chậm và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) là rất cao. Phải mất nhiều thời gian để hoàn thành một vụ nuôi tôm hơn khi lượng oxy hòa tan thấp.

1. Tính toán mật độ nuôi hợp lý

Khi thả giống, cần căn cứ vào hình thức nuôi, đối tượng nuôi, điều kiện trang thiết bị, trình độ quản lý, sản lượng mong muốn cùng với quy cách giống để tính toán mật độ thả nuôi sao cho hợp lý. Mật độ quá cao, mức tiêu thụ oxy càng lớn sẽ gây ra tình trạng "tranh oxy" giữa các cá thể, giảm thấp hiệu quả sản xuất kéo theo hiệu quả kinh tế giảm.

2. Kỹ thuật chăm sóc, cho ăn

Phân động vật và thức ăn dư thừa là nguồn ô nhiễm hữu cơ chủ yếu trong ao nuôi, quá trình phân giải hữu cơ sẽ tiêu hao một lượng lớn khí oxy. Khi cho tôm ăn những loại thức ăn kém chất lượng, có dinh dưỡng không cân bằng sẽ làm cho lượng phân thải và thức ăn dư thừa tăng lên, tỷ lệ tiêu hóa hấp thu của thức ăn hỗn hợp chất lượng tốt rất cao cũng gián tiếp tăng oxy trong nước.

3. Quản lý môi trường

Quá trình quang hợp của tảo là nguồn cung cấp oxy hòa tan quan trọng trong nước ao nuôi, nhưng tảo phát triển quá mạnh sẽ tiêu hao rất nhiều khí oxy hòa tan về đêm gây ngạt cho tôm. Do đó, nên áp dụng các biện pháp điều chỉnh khống chế sinh học hoặc hóa học để duy trì mật độ tảo thích hợp trong nước. Nên duy trì màu nước và độ trong từ 20 - 40cm là tốt nhất.

4. Cấp oxy bằng các thiết bị cấp oxy

Đối với các ao nuôi mật độ cao nên lắp máy quạt nước, máy phun nước, máy thổi khí, máy nén khí tùy theo điều kiện ao nuôi. Thời gian bật máy dài hay ngắn cũng phải dựa vào nước ao và lượng oxy đáy để xác định.

Đối với những nơi điện lưới không ổn định thì có thể dùng máy nổ, máy phát hoặc trong trường hợp cấp bách có thể sử dụng viên oxy khẩn cấp (liều lượng 0,5 kg/1000 m³) hoặc oxy già (dạng dung dịch, liều lượng 1 - 2 mg/l) để tăng lượng oxy hòa tan.

*Lưu ý: tăng cường chạy máy quạt, các hệ thống tăng cường oxy vào ban đêm từ 21 giờ đến 6 giờ sáng vì đêm là thời điểm thiếu oxy, tôm cá dễ nổi đầu nhất.

Cần tăng cường quản lý nồng độ oxy hòa tan trong quá trình nuôi tôm, nhất là trong giai đoạn nhiệt độ cao, thời tiết oi nóng, mưa lớn và gió thổi mạnh cần phải có biện pháp tăng oxy kịp thời (bật máy quạt nước hoặc sục khí).

Biện pháp hạn chế các chất lửng lơ trong ao nuôi

Nguyên nhân chính

Các chất rắn lơ lửng, hay chất thải tích lũy trong ao tôm xuất phát từ nhiều nguồn gốc khác nhau nhưng chủ yếu là đến từ chính quá trình tôm sinh trưởng, phát triển như thức ăn nuôi tôm, chất bài tiết của tôm...

Thức ăn nuôi tôm chứa rất nhiều đạm và phốt pho. Các chuyên gia tính được trung bình phải có hơn 64% tổng lượng đạm, 77% tổng lượng thức ăn được thải ra nước ao ở dạng hòa tan lẫn không hòa tan.

Ngoài hai nguyên nhân chính ở trên, chất lơ lửng trên thực tế còn đến từ một vài nguyên nhân tự nhiên cũng như có tác động của con người, bao gồm:

+ Xác chết của một số loài sinh vật phù du trong nước.

+ Xác tảo tàn

+ Dòng chảy của nước làm cho đất bờ ao bị rửa trôi, xói mòn.

+ Cặn bã dư thừa từ các loại vôi, khoáng chất mà người nuôi dùng để cải tạo ao.

+ Những chất cặn bã lơ lửng có sẵn trong nguồn nước do người nuôi không sử dụng ao lắng, ao lọc để xử lý nước trước khi cấp.

Hậu quả

Khí độc tích tụ trong ao

Lượng oxy hòa tan giảm, khi giảm quá mạnh sẽ hình thành khu vực yếm khí, từ đây sinh ra khí độc H₂S gây ra mùi hôi khó chịu và làm giảm chất lượng nước.

Tảo độc có cơ hội phát triển

Tôm dễ mắc bệnh như mòn đuôi, cụt râu, đen mang, teo mang...

Biện pháp xử lý các chất hữu cơ lơ lửng trong ao nuôi

1. Sử dụng vi sinh vật

Vi sinh vật có thể giúp phân hủy các chất hữu cơ lơ lửng trong ao nuôi tôm. Vi sinh vật có thể được thêm vào ao nuôi hoặc sử dụng trong quá trình xử lý nước thải.

2. Sử dụng bộ lọc

Bộ lọc có thể giúp loại bỏ các chất hữu cơ lơ lửng trong ao nuôi tôm, bộ lọc có thể được sử dụng để lọc nước hoặc lọc bùn đáy ao.

3. Sử dụng các sản phẩm hóa học

Chất khử trùng hoặc chất oxy hóa có thể giúp loại bỏ các chất hữu cơ lơ lửng trong ao nuôi tôm. Tuy nhiên, cần phải sử dụng sản phẩm này một cách thật thận trọng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.

4. Thay nước thường xuyên

Thay nước thường xuyên là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ các chất hữu cơ lơ lửng trong ao nuôi tôm. Thay nước thường xuyên giúp đảm bảo rằng nước trong ao luôn trong tình trạng sạch và tươi.