Hieuloc Aqua: Trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm – cá nói riêng, màu nước có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành chuỗi thức ăn tự nhiên, hệ lọc sinh học, ổn định các thông số môi trường. Nói cách khác, nuôi trồng thủy sản muốn thành công, trước tiên cần nuôi và giữ màu nước ổn định và bền vững. Thực chất màu nước trong ao, hồ nuôi thủy sản được hình thành chủ yếu do các hệ phiêu sinh thực vật (Phytoplankton), phiêu sinh động (Zooplankton), các loài tảo, ấu trùng, các loài giáp xác tạo,… tạo nên. Việc gây màu nước ao nuôi là vô cùng cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm trong những tháng đầu nuôi thả.

Màu nước là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của tảo cũng như sự sinh trưởng và tăng trưởng của tôm nuôi, gây ảnh hưởng ít nhiều đến các yếu tố như:

- Ảnh hưởng đến hàm lượng oxy hòa tan trong nước, ổn định môi trường ao nuôi.

- Tạo điều kiện cho phiêu sinh vật phát triển tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, đồng thời có thể che bớt ánh sáng làm cho tảo độc dưới đáy chậm phát triển.

- Đặc biệt, nếu màu nước tốt sẽ tạo nguồn thức ăn có lợi cho tôm, giảm lượng thức ăn hữu cơ, giảm được mầm bệnh phát triển trong quá trình nuôi.

- Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng sự phát triển của phiêu sinh vật phù du giúp giảm các chất độc hại, giảm stress cho tôm.

Một số lợi ích của việc gây màu nước ao nuôi có thể kể đến như:

- Màu nước tạo điều kiện cho phiêu sinh vật phát triển, giảm độ trong của nước, che bớt ánh sáng, hạn chế sự phát triển của rong, tảo đáy ao

- Giảm sự dao động nhiệt độ nước, tăng lượng oxy hòa tan.

- Sinh vật phù du phát triển sẽ làm giảm các chất độc hại, tránh gây sốc cho tôm.

-Tạo nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, giúp tôm tăng trưởng phát triển tốt, đồng thời tiết kiệm một phần chi phí thức ăn trong giai đoạn đầu.

CÁCH GÂY MÀU NƯỚC TRONG AO NUÔI TÔM

Cách 1: Gây màu nước bằng cám gạo, phân xanh và bột đậu nành

- Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại phân hữu cơ như phân xanh, bột đậu nành và cám gạo có khả năng thúc đẩy sự phát triển của các loại tảo có lợi. Bà con tiến hành rải khắp ao với liều lượng 25 – 50 kg/ha/ngày sẽ kích thích tảo phát triển sau 4 – 5 ngày.

*Lưu ý: không nên sử dụng phân chuồng, phân gà để gây màu nước, vì các loại phân này rất dễ mang theo những mầm bệnh nguy hiểm.

Cách 2: Gây màu nước bằng chất vô cơ

- Bón phân hóa học cho ao nuôi như phân urê phosphate (N-P-K = 16: 2:0); urê (N2H4CO); N-P-K (46:0:0) hay super phosphate (N-P-K = 16:16:16). Trong đó, urê phosphate được bà con sử dụng nhiều nhất với lượng bón từ 40 – 50 kg/ha (bón trong 20 – 25 ngày).

- Cách bón phân: Hòa tan phân với nước theo liều lượng quy định của nhà sản xuất rồi tạt đều quanh ao.

- Khi gây màu nước thành công, tảo phát triển tốt, độ trong đạt mức từ 30 – 40 cm thì có thể tiến hành thả giống được.

- Tuy nhiên phương pháp gây màu nước này trên cơ bản đã gây được màu nước, nhưng một tuần, nhiều nhất là khoảng nửa tháng thì nước lại trong và rớt tảo. Nếu sử dụng những sản phẩm có chứa phân hóa học thì tuy phát huy tác dụng nhanh, nhưng thời gian ổn định không dài.

Cách 3: Gây màu nước bằng mật rỉ đường, cám gạo (hoặc cám ngô), đậu nành

3kg mật đường + 1kg cám gạo (hoặc cám ngô) + 3kg bột đậu nành và trộn đều hỗn hợp sau đó ủ kín trong 12 giờ là dùng được. Liều lượng 2 – 3 kg/1.000 m³ nước, bón liên tục trong 3 ngày, cho đến khi ao lên màu đẹp, đạt độ trong 30 – 40 cm thì tiến hành thả giống.

7 ngày sau bón bổ sung, liều lượng giảm ½ so với ban đầu, căn cứ màu nước để bổ sung.

Cách 4: Gây màu nước bằng cách sử dụng một số sản phẩm tạo màu giả cho ao nuôi

- Hiện nay để tiết kiệm thời gian gây tạo màu nước ở giai đoạn đầu của ao nuôi, nhiều mô hình nuôi công nghiệp đã sử dụng một số sản phẩm gây tạo màu nước giả (màu trà) cho ao nuôi. Nhiều sản phẩm sau khi dùng chỉ sau 2 tiếng ao đã lên được màu trà có thể tiến hành thả giống. Màu giả giúp làm bình phong che tránh nước trong, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời ảnh hưởng đến tôm, tránh được hiện tượng tôm post hướng quang, giảm stress, hạn chế tảo đáy, rong rêu phát triển.

- Tuy nhiên, cách dùng các sản phẩm tạo màu giả giúp tạo được màu nước rất nhanh, tiết kiệm được nhiều thời gian nhưng không tạo được nguồn thức ăn tự nhiên trong ao ở giai đoạn đầu, sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn công nghiệp, hệ số FCR sẽ cao hơn so với ao nuôi gây tạo nguồn thức ăn tự nhiên.

Lưu ý khi gây màu nước trong ao nuôi

- Không sử dụng chế phẩm vi sinh đồng thời với thảo dược, kháng sinh và hóa chất diệt khuẩn, sử dụng đúng liều lượng.

- Cần quản lý tốt lượng thức ăn cho tôm, tránh dư thừa, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại và tảo độc phát triển mạnh khó gây màu nước, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe vật nuôi.

- Trong quá trình nuôi tôm bà con cần thường xuyên theo dõi màu nước và các chỉ tiêu chất lượng nước để có các biện pháp xử lý kịp thời, tạo môi trường nước ổn định, tạo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt nhất, từ đó mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.