Hieuloc Aqua: Bệnh đốm trắng do virus là một trong những nguyên nhân gây tỷ lệ tôm chết lên đến 90 - 100% chỉ sao 3 ngày nhiễm bệnh. Bệnh đốm trắng có tốc độ lây lan rất nhanh và có thể lan thành dịch rộng gây tổn thất lớn cho bà con cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm công nghiệp. Do đó, việc xử lý triệt để mầm bệnh trên những ao nuôi đã bị bệnh đốm trắng là vô cũng quan trọng và cần thiết. Người nuôi cần nắm rõ được phương pháp xử lý cải tạo ao cụ thể, tiêu diệt mầm bệnh triệt để tráng lây lan cũng như ngăn chặn các tác nhân gây bệnh quay lại vào vụ sau.

Con đường gây bệnh của bệnh đốm trắng

Bệnh đốm trắng do virus WSSV lây nhiễm trên nhiều loại giáp xác (nước ngọt, nước lợ và nước mặn) theo chiều ngang (qua môi trường nước và ăn vật nhiễm bệnh tại ao nuôi) và theo chiều dọc (từ tôm mẹ nhiễm sang tôm con trong các trại sản xuất giống).Virus tồn tại trong các ký chủ, đa số chúng là các loài giáp xác hoang dã,... Do đó, việc tháo nước ao nhiễm bệnh ra ngoài môi trường chung không chỉ gây hại cho môi trường và các ao lân cận mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chính chủ hộ nuôi khi chính họ sẽ lấy trở lại nguồn nước có mang mầm bệnh này.

Bên cạnh đó, việc sử dụng chung các dụng cụ như chài, vợt... hoặc người nuôi di chuyển tử ao này sang ao khác cũng làm lan truyền mầm bệnh và gây ảnh hưởng cho hệ thống nuôi. Do đó khi xuất hiện ao nuôi bị nhiễm đốm trắng do virus WSSV, việc xử lý cải tạo ao nuôi cần được tiến hành một cách kỹ lưỡng nhằm xử lý triệt để mầm bệnh đốm trắng tồn tại trong môi trường.

Xử lý, cải tạo ao

Khi ao có dấu hiệu bị nhiễm virus bệnh đốm trắng

Với xác tôm chết ra khỏi ao và hủy tôm chết bằng các chất diệt khuẩn sau đó tiến hành thu tôm trong vòng 1 - 2 ngày nếu tôm đạt kích cỡ thu hoạch.

Khi tôm chưa đạt cỡ thu hoạch, cần tiến hành hủy tôm để tránh lây lan thành dịch.

Xử lý tôm chết, hủy tôm, khử trùng nước và dụng cụ nhiễm WSSV bằng Chlorine nồng độ 40 ppm, thuốc tím KMnO₄ 10 ppm... Giữ nước sau khi xử lý Chlorine ít nhất 7 ngày trước khi xả ra môi trường.

Xử lý đáy ao

Đối với ao đất (cần chú ý đối với ao bị phèn)

Dọn tẩy khô: tiến hành nạo vét bùn đáy, cày xới đáy ao, rải vôi đáy và bờ ao và phơi nắng ao trong thời gian 15 - 20 ngày để đảm bảo đáy khô và không còn chỗ ẩm cho mầm bệnh ẩn nấp.

Dọn tẩy ướt: Trường hợp không thể nạo vét hết bùn và không có điều kiện để phơi ao, cần tiến hành theo phương phát dọn tẩy ướt. Trước tiên tháo cạn ao đến mức có thể. Tiếp theo sử dụng các chất diệt khuẩn nêu trên với liều lượng phù hợp để xử lý bùn nước ao. (Lưu ý trong quá trình dọn tẩy ướt không xả bùn thải ra môi trường, cần bịt kín các lỗ cua và đường ống nước). Sau đó tiến hành xử dụng áp lực nước bơm sục đáy ao và xối rửa nhiều lần để dọn sạch chất thải và bùn đấy ao. Cuối cùng tiến hành bón vôi đáy và bờ ao, lượng vôi sử dụng cho ao tùy thuộc vào độ pH của ao nuôi. Nếu điều kiện cho phép, nên phơi đáy ao vài ngày cho se ráo mặt đáy rồi chuẩn bị nước thả tôm.

Đối với ao lót bạt

Sau khi hủy tôm và khử trùng nước bằng các hóa chất diệt khuẩn sau 7 ngày, thì xả hết nước, tẩy rửa sạch và phơi năng ao bạt từ 1 - 2 ngày. Đồng thời tháo rời, tẩy rửa sạch và phơi năng các thiết bị trong nước như dàn quạt, hệ thống oxy đáy, nhá,...

Ao phơi nắng xong, cấp nước vào ao tiếp khoảng 5 - 10 cm, sử dụng thuốc, hóa chất diệt khuẩn như thuốc tím, Chlorine,... để ngâm đáy ao và phun tạt cả bờ và lối đi. Xử lý cả đáy và bờ ao, kể cả đường đi ra vào ao nuôi tôm cũng phải xử lý nhằm loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh đốm trắng. Bên cạnh đó tu sửa bờ ao, phủ bờ ao bằng bạt nhực nếu có thể. Xây dựng các rào lưới, chắn để ngăn các loài giáp xác, chim cò...mang mầm bệnh vào ao.

Sau khi ngâm đáy 2 - 3 ngày, xả hết nước và cấp nước vào ao với mực nước là 1m. Sử dụng Chloirine 25kg/1000 m² và chạy quạt, sục khí để Chlorine hòa tan đều và diệt các vi khuẩn, mầm bệnh bám dính vào các thiết bị quạt, sục khí...sau đó xả hết nước để tiến hành vụ nuôi mới.

Chuẩn bị nước nuôi cho vụ mới

Chuẩn bị máy quạt nước, lắp hệ thống cung cấp oxy, máy quạt nước phù hợp cho diện tích ao và mật độ thả tôm.

Bơm nước vào ao qua túi lọc để hạn chế vật chất hũu cơ và ngăn chặn cá và các loại giáp xác khác làm vật chủ trung gian mang mầm bệnh đốm trắng vào ao nuôi.

Nước lấy vào ao qua lưới lọc để 2 - 3 ngày cho các loại trứng theo nước vào ao nở hết rồi tiến hành diệt tạp bằng saponine với nồng độ 15 - 20 ppm (15 - 20g/m³ nước ao) hoặc dùng các loại hóa chất diệt tạp khác.

Tiếp theo, tiến hành diệt khuẩn trong nước bằng các hóa chất diệt khuẩn như KMnO₄ 10 ppm, Chlorine 30 ppm,... Nên sử dụng máy quạt nước trong thời gian diệt khuẩn.

Sau khi diệt khuẩn nước 2 - 3 ngày, khi kiểm tra lại hàm lượng hóa chất tồn dư trong ao ở mức an toàn và chắc chắn không có mầm bệnh đốm trắng, bà con có thể bắt đầu tiến hành gây màu bón phân cho ao nuôi và bắt đầu một vụ mùa mới.