Giải pháp giảm chi phí trong nuôi tôm
Những năm gần đây, nuôi tôm ngày một khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều bệnh mới trên tôm và đặc biệt là các dịch vụ đầu vào phục vụ trong tôm nuôi tăng cao, giá thành tôm thương phẩm lại không ổn định, muốn có lợi nhuận cao thì việc tìm ra các giải pháp để giảm được chi phí luôn là trăn trở lớn của các hộ dân và tổ chức doanh nghiệp nuôi tôm. Để làm được điều này, hộ nuôi tôm cần áp dụng một số biện pháp sau đây:
1. Kiểm soát thức ăn:
Thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chi phí sản xuất (chiếm khoảng 50 - 60%). Không để lượng thức ăn thất thoát vào trong nước và bùn đáy ao khoảng 20%. Điều chỉnh lượng thức ăn giảm xuống, vừa giảm chi phí thức ăn, vừa giảm xử lý đáy ao dơ do thức ăn...
Thông thường, ao được quản lý thức ăn tốt thì hệ số thức ăn (FCR) thấp, cụ thể FCR = 1,1 - 1,2 đối với tôm thẻ, và đối với tôm sú FCR chỉ cần giảm 0,1 thức cứ 1 tấn tôm, người nuôi sẽ tiết kiệm được 3.000.000 đồng (= 0,1 x 1.000kg x 30.000 đồng/kg). Cắt giảm thức ăn sẽ được lợi kép, vừa giảm tiền mua thức ăn thừa, vừa giảm các sự cố trong ao do thức ăn thừa gây ra.
Điều chỉnh thức ăn từng cử trong ngày theo thời tiết, đặc biệt 2 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng bắt mồi của tôm là nhiệt độ nước và lượng oxy hòa tan. Chỉ cho tôm ăn 70 - 80% lượng thức ăn theo bảng hướng dẫn của các công ty thức ăn. Cắt giảm mạnh hoặc thậm chí ngưng cho ăn trong các trường hợp đàn tôm đang lột xác, tôm nổi đầu thiếu oxy, tôm nhiễm bệnh hoặc ao nuôi ô nhiêm nặng như tảo chết, tảo tàn.
2. Mật độ thả tôm
Mật độ thả tôm nuôi hợp lý kết hợp với đầu tư trang thiết bị đầy đủ như quạt nước, oxy đáy để đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong ao. Thả tôm mật độ thưa tạo điều kiện cho tôm tăng khả năng bắt mồi, phát triển nhanh.
Mật độ tôm thả thưa cho phép chúng ta quản lý môi trường dễ dàng hơn, tôm nuôi cũng dễ đạt kích thước lớn hơn. Đặc biệt là các yếu tố về quản lý rủi ro, dịch bệnh cũng dê nắm bắt hơn.
3. Chọn giống tôm tốt
Người nuôi tôm cần chọn được giống tôm tốt nhằm hạn chế rủi ro ngay từ khâu này. Chọn mua tôm giống (SPF - giống sạch bệnh. SPR - giống kháng bệnh).
Kích cỡ PL10 - 12 ở những cơ sở sản xuất có uy tín, tôm bố mẹ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. tôm giống đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định của ngành và được kiểm soát tốt về an toàn sinh học trại giống, trước khi bắt giống 3 ngày, thông báo với các cơ sở sản xuất các chỉ số môi trường nước ao ương (pH, độ mặn) để cơ sở sản xuất giống thuần hóa giống phù hợp với các điều kiện ao ương, kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi mua theo yêu cầu, đảm bảo tôm giống phải đạt tiêu chuẩn.
Kiểm tra chất lượng tôm giống khi vận chuyển về cơ sở nuôi: Các bao tôm giống về ao ương còn nguyên vẹn, đủ lượng oxy, tôm khỏe mạnh, bơi phân tán đều trong ao. Kiểm tra lại độ pH và độ mặn của 03 túi tôm giống bất kỳ lấy chỉ số trung bình so với pH và độ mặn của ao ương để có biện pháp xử lý (thuần) trước khi thả tôm giống để hạn chế hao hụt. Khi chọn được tôm giống tốt thì tiến hành tuân thủ lịch thời vụ của cơ quan chức năng đã ban hành.
4. Hạn chế sử dụng hóa chất
Thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học có chi phí tương đối cao (chiếm 20 - 30%). Giảm mật độ tôm nuôi đồng nghĩa với việc giảm xử lý đáy ao dơ, giảm các loại dịch bệnh. Từ đó tiết kiệm được khoản chi phí sử dụng thuốc và hóa chất, tạo ra môi trường ao nuôi an toàn và bền vững cho vụ nuôi...
5. Chạy quạt mạnh
Đảm bảo oxy ở vùng rìa chất thải tối thiểu 4ppm. Ước tính mỗi ngựa (HP) cung cấp oxxy cho 400kg tôm và mỗi kí điện (kW) cung cấp cho 500kg tôm trong ao. Giúp gom chất thải vào giữa ao, cung cấp oxy để oxy hóa chất thải, giúp tôm bắt mồi tốt và tăng trường nhanh. Thiết kế cống xả chất thải ở trung tâm ao (nếu vùng đáy ao cao) để định kỳ rút đáy hoặc xi phông chất thải....