Hieuloc Aqua: Trên thế giới hiện nay có khoảng 15 triệu ha đất phèn, tập trung nhiều nhất ở khu vực tập trung nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á (chiếm 50% diện tích). Indonesia có diện tích đất phèn lớn nhất thế giới (2 triệu ha); sau đó đến Việt Nam (1,8 triệu ha). Đất phèn chiếm 63,40% tổng lượng đất ở Việt Nam. Trong đó, diện tích đất nhiễm phèn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là 41,1% ở hầu hết các tỉnh: Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang; ĐBSCL đóng góp 71% diện tích nuôi trồng thủy sản và 54% sản lượng thủy sản của cả nước. Nước trong những ao nuôi được xây dựng trong vùng nước lợ, ven biển hay nước ngọt có thể có pH thấp do được hình thành từ vùng đất phèn tiềm tàng. Đối với các ao nuôi trồng thủy sản ở những vùng đất bị nhiễm phèn, lượng phèn sẽ rò rỉ từ đất vào nước trong quá trình đào ao, thêm vào đó khi trời mưa, nước mưa sẽ rửa trôi phèn từ trên bờ xuống làm cho ao bị nhiễm phèn.

Nguyên nhân gây ra phèn trong ao nuôi

Vùng đất tại ao có chứa hàm lượng sulfat cao. Đất nhiễm phèn là loại đất được hình thành ở vùng ven biển có nhiều xác sinh vật chứa lưu huỳnh. Các sinh vật này bị phân huỷ yếm khí, giải phóng ra lưu huỳnh (S). Trong điều kiện yếm khí, lưu huỳnh sẽ kết hợp với nguyên tố sắt có sẵn trong phù sa tạo thành hợp chất Pyrite (FeS₂).

Khi tiếp xúc với không khí, pyrite trong đất ẩm bị oxy hóa hình thành các oxít sắt và axít sulfuric. Axít sulfuric làm tan sắt và kim loại nặng trong đất như nhôm, kẽm, mangan, đồng từ đất. Kết quả là đất bị chua, nước có pH thấp (gọi là đất nhiễm phèn) và chứa các kim loại độc hại vượt quá ngưỡng chịu đựng của tôm nuôi.

Mặt khác khi mưa kéo dài, nước mưa rửa trôi phèn trên bờ ao xuống cũng là một trong những nguyên nhân khiến ao tôm bị phèn.

Ảnh hưởng chung

- Đất phèn có pH rất thấp, hàm lượng canxi ở vùng đất phèn không cao, ảnh hưởng đến quá trình cân bằng áp suất thẩm thấu và tạo vỏ của các loài giáp xác. Môi trường ao acid sẽ hạn chế sự khuếch tán của Na+, K+ từ bên ngoài vào cơ thể.

- Ảnh hưởng đến sự hoạt hóa các enzyme trong cơ thể động vật thủy sinh nói chung.

- Ảnh hưởng đến quá trình hô hấp - tôm cá sống trong vùng đất phèn thì quá trình hô hấp tăng cao vì khả năng gắn kết oxy và hemoglobin giảm, tôm cá tăng hô hấp tiêu tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp, giảm sức tăng trưởng, sinh sản, hợp chất phèn trong nước sẽ bám mang nhiều hơn (thường thấy tôm, cá bị vàng mang, phèn bám mang đối với các ao bị nhiễm phèn).

- pH thấp làm cho khí H₂S trở nên độc hơn, xâm nhập trực tiếp qua màng tế bào, ức chế quá trình trao đổi chất, ức chế quá trình chuyển hóa oxy...

Đất phèn ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm

- Khó gây màu nước do tảo phát triển chậm, đặc biệt đối với tôm con (PL) ở giai đoạn đầu thì màu nước cực kì quan trọng.

- Làm giảm pH trong ao nuôi, mà pH là một trong các yếu tố quan trọng trong quá trình nuôi, tăng độc tính của khí độc.

- pH thấp làm tôm stress, kém ăn, khó lột xác, mềm vỏ, chậm lớn, tôm màu xám đen, hợp chất phèn lơ lửng bám vào mang, cản trở quá trình hô hấp của tôm.

Một số biện pháp phòng tránh, xử lý ao tôm bị nhiễm phèn

- Chọn địa điểm xây dựng ao nuôi ít bị nhiễm phèn, nên lót bạt đáy ao để tránh hiện tượng rò rỉ phèn trong ao nuôi. Chuẩn bị và cải tạo ao nuôi thật kỹ, bón lót vôi đáy ao, sên rửa lại nhiều lần cho sạch trước khi cấp nước vào ao nuôi.

- Đối với ao bị nhiễm phèn tiềm tàng trong đất thì cần lưu ý không nên phơi ao quá lâu sẽ tạo ra các vết nứt lớn gây hiện tượng xì phèn.

- Bón vôi vào đáy ao nuôi để tăng pH, giảm phèn, lưu ý bón vào buổi chiều mát.

- Khi trời mưa, sau mỗi trận mưa, nước mưa chứa một lượng acid nhất định và lượng phèn xì trên bờ có thể theo nước mưa xuống ao, làm giảm pH đột ngột. Vì vậy trước khi mưa nên rải vôi nông nghiệp quanh bờ ao, sau khi mưa phải kiểm tra lại yếu tố môi trường và xử lý kịp thời nếu thấy có sự thay đổi.