1. Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm là gì?
Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) là một loại bệnh khiến tôm chết sớm, vô cũng nguy hiểm do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Chứng bệnh này liên quan nhiều đến việc kiểm soát và quản lý môi trường ao nuôi tôm, dẫn đến những mất mát, tổn thất nặng nề trong ngành nuôi tôm.
Chứng bệnh này có thể diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn khi môi trường ao nuôi tôm bị ô nhiễm và không đáp ứng đủ yêu cầu cơ bản chăn nuôi như đất nền ở đáy ao có phèn, lượng oxy hòa tan thấp, sử dụng hóa chất trong ao nuôi, màu nước không ổn định, dịch bệnh phát triển. Khi môi trường ao nuôi xấu đi, vi khuẩn phát triển và tôm sẽ chết rất sớm chỉ sau 6 - 10 ngày thả nuôi trong ao.
Tôm bị hoại tử gan tụy cấp tính
2. Đặc điểm bệnh hoại tử gan cấp tính
Đối tượng mắc bệnh: thường là tôm sú hoặc tôm thẻ trắng. Tôm ở mọi độ tuổi có thể mắc bệnh, tuy nhiên đối tượng chủ yếu sẽ là tôm ở giai đoạn từ 10 - 45 ngày sau khi thả giống.
Thời điểm xuất hiện dịch bệnh: Hầu hết các tháng trong năm đều có thể xuất hiện dịch bệnh, nhưng thời điểm bùng phát dịch bệnh thường rơi vào tháng 3 - tháng 8 hằng năm.
Vùng xuất hiện dịch bệnh: Xuất hiện ở nhiều vùng nuôi tôm tập trung trên phạm vi cả nước.
Phương thức lây truyền: Bệnh có thể lây từ các con tôm nhiễm bệnh sang con tôm khỏe mạnh trong cùng một ao nuôi. Dựa vào yếu tố môi trường ao nuôi ô nhiễm, không đảm bảo thì các con tôm trong ao đều có thể mắc bệnh.
Tác hại: Khả năng lây lan và truyền nhiễm bệnh cao, tỷ lệ chết cao và sớm lên đến 90% sau 3 - 5 ngày phát hiện bệnh.
3. Triệu chứng nhận biết tôm bị bệnh gan tụy cấp tính
- Tôm bệnh bơi lờ đờ, bỏ ăn, tấp mé bờ, tôm phát bệnh rớt đáy rất nhanh.
- Gan tụy tôm mềm nhũn, teo lại hoặc xưng to, màu nhạt.
- Có trường hợp gan tôm chai sạn, màu sẫm, không có các giọt dầu.
- Tôm bị mềm vỏ, ruột ít hoặc trong ruột không có thức ăn.
Có thể chia các nguyên nhân của bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm thành 2 giai đoạn cụ thể như:
- Tôm chết dưới 35 ngày tuổi: có thể do con giống kém từ ban đầu hoặc tôm nhiễm bệnh sẵn từ trại giống chuyển về.
- Tôm chết ở giai đoạn 35 - 60 ngày tuổi: Do chủ nuôi quản lý môi trường sống của tôm kém, không đảm bảo đủ độ pH, thiếu cân bằng các chất Ca, Mg và K trong ao, thiếu oxy, không vệ sinh đáy ao định kỳ...
4. Cách điều trị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính cho tôm nuôi
Đối với tôm, phòng bệnh luôn tốt hơn trị bệnh, nhất là đối với các bệnh xảy ra biến chứng cấp tính như EMS. Khi mắc bệnh tôm thường bỏ ăn nên việc bổ sung thuốc vào thức ăn không mang lại hiệu quả cao.
*Trước khi thả nuôi
Đối với tôm giống, nên sàng lọc cẩn thận các mầm bệnh.
Cải tạo và sát trùng ao nuôi cẩn thận trước khi thả tôm, sên vé đáy ao, phơi nắng đáy ao với vôi, sát trùng đáy ao. Xử lý diệt khuẩn nguôn nước cấp vào ao, lọc qua lưới lọc cẩn thận.
Loại bỏ hoàn toàn các chất gây độc hại cho tôm như các ion kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật có trong nước.
*Trong khi nuôi
Để phòng bệnh, giải pháp tốt nhất là tăng cường hệ miễn dịch thông qua cung cấp nguồn thức ăn có chất lượng tốt, nguồn nước và đất không ô nhiễm.
Thường xuyên bổ sung chất dinh dưỡng và các chất hỗ trợ hệ miễn dịch.
Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, thức ăn không nhiễm nấm, cho ăn bổ sung vitamin C, A, E và Glucan.
Quản lý môi trường ao nuôi tốt và ổn định bằng sản phẩm men vi sinh.
Siphon đáy ao và thay nước hằng ngày.
Hạn chế dùng các hóa chất, kháng sinh điều trị bệnh tôm.
* Sau khi thu hoạch
Dùng thuốc diệt khuẩn để khử trùng môi trường nước, hạn chế lây nhiễm ra môi trường bên ngoài và những vụ nuôi sau.