Hieuloc Aqua: Thực hiện tốt công tác phòng bệnh là yếu tố then chốt tạo con giống đảm bảo số lượng và chất lượng, mang lại hiệu quả cao cho vụ nuôi.

1. Bệnh phát sáng

Nguyên nhân: Do vi khuẩn phát sáng Vibrio harveyi gây ra. Trong sản xuất giống, mầm bệnh được lây lan chủ yếu bằng đường ruột từ tôm mẹ sang ấu trùng trong giai đoạn sinh sản. Bệnh phát triển mạnh trong môi trường nước giàu dinh dưỡng, nhiều chất hữu cơ ở độ mặn cao, thiếu oxy hòa tan, lây lan nhanh trong mùa nóng.

Dấu hiệu: Ấu trùng ở giai đoạn nhỏ rất mẫn cảm đối với bệnh phát sáng. Biểu hiện cấp tính của bệnh là sự phát sáng ở những ấu trùng nhiễm bệnh và có thể quan sát rất dễ dàng vào ban đêm. Ấu trùng nhiễm bệnh cũng bị vi sinh vật bám, đục cơ và bơi lội chậm chạp, tôm chết có thể đến 100%.

Phòng trị bệnh: Cho ấu trùng tôm ăn thức ăn có chất lượng tốt, tăng cường cho ăn Artemia cùng với thay nước và bổ sung khoáng sẽ giảm bệnh. Cần bổ sung vitamin và men tiêu hóa vào thức ăn. Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và vi khuẩn Vibrio trong bề ương.

Lọc sạch cặn và tạp chất ở đáy bể nuôi vì đó là môi trường tốt cho vi khuẩn sinh trưởng. Khử trùng các ấu trùng bị nhiễm bệnh trước khi loại bỏ chúng.

Bổ sung tảo tươi như Chaetoceros sp cũng có thể giúp cải thiện chất lượng nước và thúc đẩy các vi sịnh vật có lợi phát triển, giúp loại bỏ vi khuẩn phát sáng Vibrio spp.

2. Bệnh lột xác dính vỏ

Nguyên nhân: Thường là do chất lượng nước kém hoặc dinh dưỡng không tốt, thiếu khoáng. Đây là bệnh thường gặp trong sản xuất tôm giống. Bệnh xuất hiện nhiều ở giai đoạn PL10 - 11 (chủ yếu vào ban đêm). Tỷ lệ lột xác bị dính vỏ là 10 - 30%.

Dấu hiệu: Ấu trùng nhiễm bệnh không thể rút các phụ bộ, mắt hoặc chủy ra khỏi vỏ lột. Số khác đã thoát ra được các vỏ lột thì bị dị tật các phụ bộ và chết không lâu sau khi lột xác.

Phòng trị bệnh: Cho tôm ăn thức ăn có chất lượng tốt, tăng cường cho ăn Artemia cùng với thay nước và bổ sung khoáng sẽ giảm bệnh. 

3. Bệnh do nguyên sinh động vật bám (Protozoa)

Nguyên nhân: Các loài Protozoa có thể gây bệnh cho tôm là Zoothamnium sp.,  Epistylis sp., Vorticella sp., và Acineta sp.

Dấu hiệu: Ấu trùng bị nhiễm Protozoa có màu hơi mờ đục. Nếu nhiễm bệnh nhẹ có thể hết sau khi lột xác, nhưng nếu nhiễm nặng sẽ ảnh hưởng đến quá trình lột xác tăng trưởng và làm chết tôm. 

Phòng trị bệnh: Khi quan sát thấy Protozoa trên ấu trùng thì phải cải thiện ngay chất lượng nước. Trị bệnh Protozoa trên ấu trùng bằng cách dùng Formol 10 - 15 mg/lit xử lý trong 24 giờ rồi thay 50% nước trong bể ương, xử lý liên tục 2 - 3 ngày. 

4. Bệnh vi khuẩn dạng sợi.

Nguyên nhân: Do vi khuẩn Leucithrix sp. gây ra và phát triển mạnh trong bể ương có nhiều chất dinh dưỡng.

Dấu hiệu: Bệnh thường xảy ra ở tất cả các giai đoạn của tôm, các sợi nấm bám đầy các phần phụ của tôm, làm cho tôm khó bơi, quá trình lột xác bị ảnh hưởng. Tôm ăn yếu và sẽ xuất hiện các bệnh khác kèm theo như hoại tử, nếu phát hiện sớm có thể trị bệnh hiệu quả. 

Phòng trị bệnh: Sử dụng Sunfat đồng (CuSO₄) với nồng độ 0,15 - 0,25 ppm trong 24 giờ, sau đó thay 50% nước bể ương. 

5. Phòng bệnh tổng hợp

Vệ sinh thật kỹ toàn bộ bể nuôi vỗ tôm bố mẹ, bê cho tôm đẻ, bể ương ấu trùng và các dụng cụ trong trại bằng Chlorine sau một chu kỳ sản xuất. 

Nguồn nước cấp vào bể ương tôm phải được xử lý tốt, đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn các loại vi khuẩn, vật chủ trung gian...có nguy cơ gây bệnh cho tôm giống.

Chọn nguồn tôm mẹ gia hóa tốt, sạch bệnh. 

Trong thời kỳ lột xác, bổ sung thêm khoáng vi lượng, Vitamin C. 

Bổ sung chế phẩm sinh học, Vitamin C,... và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác trong chế độ ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng và sức khỏe của ấu trùng. 

Định kỳ xi phông sạch đáy bể, loại bỏ thức ăn dư thừa, thay nước đúng định kỳ để giữ môi trường sạch sẽ, hạn chế tối đa dịch bệnh. 

Khi phát hiện tôm bị bệnh, cần tìm rõ nguyên nhân để có biện pháp điều trị kịp thời.