Hieuloc Aqua: Mô hình ao lắp ghép để nuôi tôm giúp đáy ao sạch, thu hoạch tôm cũng dể dàng, mã tôm đẹp, tôm sẽ có giá cao hơn.

Không cần phải đào ao tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường, giờ đây người nuôi tôm có thể làm ao nổi trên mặt đất ở bất cứ vị trí nào bằng sáng chế của các nhà khoa học Trường Đại học xây dựng.

Lắp ghép vật liệu thành ao nuôi tôm

Khi canh tác tôm, bà con thường có thói quen đào ao xuống đất từ 1 - 2m, sau đó lót bạt và bơm nước vào. Cứ sau mỗi vụ, bà con lại phải tháo nước đi, làm vệ sinh ao sạch sẽ và phơi khô để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh. Đây là công việc mất rất nhiều công sức và tốn kém.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường ao nuôi tôm tròn nổi, Th.s Nguyễn Văn Khánh, giảng viên Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, đồng thời là Giám đốc Công ty khởi nghiệp FRP Vietnam, đã triển khai một dự án lắp ghép các ao tôm từ những vật liệu bền nhẹ do chính các nhà khoa học sản xuất.

Vật liệu sử dụng ao nuôi tôm tròn nổi là sản phẩm của đề tài khoa học "Bê tông nhẹ cốt liệu rỗng chịu lực sử dụng Polystyren tái chế kết hợp Cenosphere với Nano Silica và phương pháp chế tạo bên tông nhẹ cốt liệu rỗng".

Đây là bên tông nhẹ cốt liệu rỗng EPS tái chế kết hợp sử dụng các hạt vi cầu rỗng, nhẹ từ tro bay (Cenospheres) là một loại phế thải trong các nhà máy nhiệt điện và nano silica đạt được các tính chất như có khối lượng thê tích từ 1.000 - 1.600 kg/m³, cường độ nén của bê tông ở tuổi 28 ngày từ 15 - 25 MPa.

Loại bê tông nhẹ cốt liệu rỗng Polystyrene (EPS) phổ biến hiện nay chủ yếu ứng dụng làm kết cấu bao che, cách âm và cách nhiệt như: Chế tạo các tấm cách nhiệt, các lớp cách nhiệt cho máy đổ tại chỗ, sử dụng làm lớp cách nhiệt trong các panel đúc sẵn, làm khối xây block và vách ngăn tường ngoài, làm lớp lót cách nhiệt.

Mỗi tấm bê tông ghép lại nặng không quá 50kg, bà con ở vùng sông nước hoàn toàn có thể đặt lên thuyền để chở đi. Chúng có thể tháo lắp dễ dàng như lắp ghép lego. Khi người ta chán đặt ao nuôi ở chỗ này, họ có thể dở ao ra để chuyển sang một nơi khác phù hợp và an toàn hơn.

Th.s Nguyễn Văn Khánh cho biết, các khối cấu kiện bê tông nhẹ cốt polyme này được chất trong kho sản xuất, sẵn sàng vận chuyển đến các trang trại bất kỳ lúc nào. Quá trình thi công lắp ghép vật liệu lại với nhau ở trang trại cũng tương đối đơn giản, không cần nhân công tay nghề cao.

Có thể làm hồ chứa nước mùa khô cạn

Ưu điểm của mô hình ao tròn là sử dụng đất hiệu quả, thiết thực hơn và phù hợp với các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ. Các ao tròn bằng bê tông nhẹ có đường kính từ 10m. Tuy nhiên, họ hoàn toàn có thể mở rộng thành các ao đường kính từ 20 - 40m.

Để có hiệu suất tối ưu, ao đường kính 40m cần ba cánh khuấy để duy trì mức oxy hòa tan. Việc dùng ao tròn nổi nuôi tôm đã trở nên phổ biến tại Indonesia và chẳng mấy chốc sẽ lan rộng sang Việt Nam.

Trong 3 - 4 năm qua, số lượng hộ nuôi tôm áp dụng ao tròn nổi tại các thôn, xã ở nhiều địa phương tại Việt Nam đã dần tăng lên, từ vài chục đến vài trăm ao. Điều này cũng được Chính phủ ủng hộ.

Mô hình ao lắp ghép để nuôi tôm giúp đáy ao sạch thu hoạch tôm cũng dễ dàng, mã tôm đẹp, sẽ có giá cao hơn. Ao hoàn toàn cách ly với không gian bên ngoài nên không bị thẩm thấu nước ô nhiễm hóa chất có hại hoặc mầm bệnh từ môi trường ngoài.

Giảm vi khuẩn có hại và khí độc từ đó giúp giảm chi phí xử lý nước, dễ dàng quản lý. Mô hình nuôi cũng giúp kiểm soát được lượng thức ăn thừa, nâng cao tỷ lệ sống và nuôi với mật độ cao.

"Quan trọng nhất là với hệ thống này, người nôm tôm kiểm soát được chất lượng nước, giúp tôm phát triển khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh, từ đó cho hiệu suất nuôi cao. Bài toán nan giải nhất với người nuôi tôm hiện nay là xử lý nước thế nào để tôm không nhiễm bệnh đã giải được khi sử dụng ao nôi", Th.s Nguyễn Văn Khánh cho hay.