Quản lý pH hiệu quả trong ao nuôi tôm
Ảnh hưởng của pH đến ao nuôi
pH là một trong những nhân tố môi trường có ảnh hưởng trực tiếp đối với đời sống tôm nuôi như: sinh trưởng, tỷ lệ sống, sinh sản và dinh dưỡng. Khi pH môi trường quá cao hay quá thấp đều không thuận lợi cho quá trình phát triển của tôm. Tác động chủ yếu của pH khi quá cao hay quá thấp là làm thay đổi độ thẩm thấu của màng tế bào dẫn đến làm rối loạn quá trình trao đổi muối - nước giữa cơ thể và môi trưởng ngoài. Độ pH trong nước thấp thì có tính acid và ngược lại với pH cao thì có tính kiềm. Độ pH thích hợp trong ao nuôi dao động từ 7.5 - 8.5 và tốt nhất trong khoảng 7.5 - 8.3. Độ pH trong ngày không nên biến động quá 0.5. Nếu pH biến động lớn có thể làm tôm bị sốc, yếu và bỏ ăn. pH cao hay thâp kéo dài đều sẽ làm cho tôm chậm phát triển, còi cọc, dễ nhiễm bệnh, hao hụt. pH thấp nhất vào buổi sáng sớm, tăng lên vào buổi trưa và giảm thấp vào buổi tối.
Kiểm soát
Theo các chuyên gia, pH phụ thuộc rất lớn vào quá trình quang hợp và hô hấp, nên để kiểm soát pH cần thông qua kiểm soát mật độ tảo trong ao nuôi. Việc kiểm soát pH cũng nên gắn liền với kiểm soát độ kiềm thể hiện khả năng đệm của nước. Ngoài ra, do pH dao động bởi nhiều yếu tố như: thời tiết, thổ nhưỡng, tảo và vi sinh vật... Do đó, việc chuẩn bị ao nuôi thích hợp trước mỗi mùa vụ là điều quan trọng. Trước khi nuôi, cần xây dựng ao nuôi tránh vùng bị nhiễm phèn tiềm tàng. Khi đào ao, không đào sâu quá (chạm đến vùng đất bị nhiễm phèn).
Những ao thuộc vùng phèn không nên phơi ao quá khô dưới ánh nắng mặt trời. Ngoài giải pháp bón vôi và phơi ao, làm tăng độ thông thoáng, khoáng hóa lớp bùn đáy ao, có thể bón thêm phân. Trước khi lấy nước vào ao nuôi, dùng phân chuồng bón đáy ao. Lượng phân chuồng dùng khoảng 25 - 30 kg/100 m² đáy ao.
Để biết được chính xác độ biến động trong mức cho phép của pH thì nên tiến hành đo pH 2 lần/ngày và 6 giờ sáng và 14 giờ chiều.
Trong suốt vụ nuôi, tránh pH biến động quá nhiều, nên bổ sung thêm chế phẩm sinh học giúp duy trì chất lượng nước. Để kiểm soát tốt dịch bệnh, độ pH của nước trong ao nuôi nên được duy trì trong khoảng 7.2 - 7.8. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc kiểm soát tốt pH chỉ có nếu ao được đầu tư đầy đủ hệ thống quạt nước, giúp khuấy đảo và cung cấp đủ oxy. Về cơ bản, người nuôi cần phải dự báo tốt diễn biến của môi trường nước trong ao nuôi hoặc các thay đổi bất thường của thời tiết để có biện pháp can thiệp trước khi sự cố xảy ra hoặc can thiệp kịp thời khi chúng mới nảy sinh.
Xử lý
Hạ pH: Dưới đây là một số cách làm giảm độ pH trong nước về mức ổn định mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ao nuôi đã được người nuôi áp dụng hiệu quả:
- Trước khi cấp nước để nuôi thả tôm nên sử dụng vôi sống hoặc vôi tôi với liều lượng 0,5 - 10 kg/1.000 m² vào thời điểm 21 - 24 giờ để cải tạo đáy ao, ổn định độ pH trong ao nuôi. Thường xuyên kiểm tra độ pH bằng các dụng cụ chuyên dụng.
- Sử dụng mật rỉ đường với liều lượng 0,3 kg/1.000 m2 khi pH > 8,3 vào buổi sáng nhằm giảm pH. Mật rỉ đường có thể kích thích sự phát triển của vi sinh vật phân hủy các mảnh vụn hữu cơ trong ao như phân tôm và thức ăn thừa, từ đó làm giảm pH của ao nuôi. Đây có thể là cách hạ pH trong ao tôm hiệu quả và thân thiện với môi trường.
- Sử dụng Formol với liều lượng 3 - 4 ml/m3 phun đều quanh ao để giảm mật độ tảo nhằm hạ pH. Do khi tảo phát triển và biến động mạnh mẽ dễ gây hiện tượng nở hoa của tảo, trong ao có nhiều mùn bã hữu cơ sẽ làm độ pH trong nước ao cũng biến động theo do quá trình quang hợp của tảo. Đồng thời, người nuôi nên sử dụng thêm chế phẩm vi sinh để xử lý tảo, ổn định màu nước. Nếu có thể nên tiến hành thay nước cho ao nuôi.
- Để giảm pH ngay có thể dùng phèn nhôm Al2(SO4)3.14H2O theo liều lượng được hướng dẫn từ nhà sản xuất. Sử dụng phèn nhôm có thể giảm ngay pH của nước nhưng không làm ảnh hưởng gì tới điều kiện môi trường, chỉ làm cho nước nuôi trong hơn và tảo lại có điều kiện để phát triển tốt.
- Có thể sử dụng thạch cao thô (CaSO4) để hạn chế sự tăng pH đột ngột của nước. Khi bón thạch cao cho ao, làm tăng hàm lượng Ca và vì có độ cứng cao nên pH sẽ tăng chậm khi quá trình quang hợp xảy ra mạnh. Sự có mặt của Ca cũng làm giảm lượng phốt pho trong nước dẫn đến sự kìm hãm tảo phát triển, tức là hãm pH của môi trường nước.
- Không chỉ có tảo gây ra pH cao mà cả các loại thực vật thân lớn, có rễ cũng làm tăng pH của nước, vì vậy đôi khi để hạn chế pH tăng cũng cần phải diệt cỏ dại và hạn chế tảo phát triển.
Tăng pH: Cách thông thường để kéo pH lên nhanh là sử dụng vôi nung (CaO) hay vôi tôi (Ca(OH)2). Cần kiểm tra chất lượng nước thường xuyên, nếu pH và độ kiềm thấp cần bón vôi nông nghiệp CaCO3 với lượng 200 - 300 kg/ha, liên tục trong 2 - 3 ngày. Trước những cơn mưa lớn cần rải vôi tôi Ca(OH)2 xung quanh bờ ao với lượng 10 - 20 kg/m2 để tránh hiện tượng pH giảm thấp đột ngột. Trong trường hợp muốn pH tăng nhanh, nên sử dụng 50 - 100 kg Ca(OH)2, bón khi trời mát, chiều tối hoặc trời mưa.
Trường hợp mưa nhiều ngày liên tục, pH nước ao giảm mạnh và kèm theo hiện tượng tôm chết mềm vỏ. Nguyên nhân là pH nước mưa thấp (6 - 7) kéo pH nước ao cũng xuống thấp, khí H2S tăng độc tính; lượng nước mưa lớn cũng kéo theo độ mặn và độ kiềm giảm mạnh. Giải pháp là người nuôi thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết địa phương để có bước chuẩn bị phòng chống trước; đắp gờ bờ ao cao ngăn chặn nước mưa chảy xuống ao; rải vôi quanh bờ ao ngay trước cơn mưa để tránh pH rớt thấp; Nếu biết được dự báo thời tiết sắp có mưa lớn kéo dài, nên bổ sung vôi, khoáng trước đó.