Tăng khả năng đề kháng cho tôm
Lựa chọn con giống tốt
Việc lựa chọn được con giống tốt, có khả năng kháng bệnh là yếu tố quyết định đến 50% sự thành công của vụ nuôi. Khi lựa chọn con tôm giống để thả nuôi cần biết rõ nguồn gốc tôm giống bố mẹ. Đối với tôm sú, ưu tiên chọn tôm có nguồn gốc tôm biển (khai thác ngoài tự nhiên), trọng lượng từ 120 - 150g, hạn chế chọn tôm lột xác và cấy tinh để sinh sản nhiều lần. Riêng tôm thẻ chân trắng, phải có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ được vỗ nuôi và cho sinh sản có thời hạn không quá 4 tháng kể từ khi nhập về trại sản xuất. Quy trình nuôi từ khi tôm bố mẹ đẻ có đầy thức ăn tươi sống như hàu, mực, không sử dụ kháng sinh, hóa chất để phòng và trị bệnh.
Đối với nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm xen ghép nên chọn tôm có kích cỡ lớn, tôm có trạng thái bơi nhanh để phù hợp với điều kiện tự nhiên và chống chọi với dịch bệnh. Những mô hình thả nuôi mật độ cao, nuôi ao đất điều kiện an toàn sinh học chưa cao, thì chọn tôm sú có nguồn gốc bản địa, hay tôm có nguồn gốc chịu biến đổi môi trường ao. Mô hình áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao như nuôi tôm trải bạt, nuôi siêu thâm canh, điều kiện an toàn sinh học cao tùy theo môi trường và thời tiết mùa vụ nên chọn tôm kháng bệnh đối với tôm thẻ chân trắng, tôm thân dài, chắc khỏe đối với tôm sú.
Vệ sinh kỹ ao nuôi
Trước khi bắt đầu vụ nuôi, cần vệ sinh ao nuôi, nguồn nước thật kỹ. Bằng cách vét sạch bùn, đất dưới ao nuôi, rồi rắc vôi, chất khử trùng quanh ao. Sau đó, để ao khô phơi nắng trong một thời gian. Biện pháp này giúp ao nuôi chết hết vi khuẩn, mầm bệnh từ lần nuôi trước. Nguồn nước lấy vào ao nuôi cần được đo lường, kiểm tra bằng các thiết bị chuyên dụng nhằm tạo cho tôm môi trường sống tốt nhất.
Đa dạng phương thức nuôi
Trong một ao nuôi hay một khu vực nuôi thì qua quá trình nuôi đã tích lũy nhiều chất thải và các mầm bệnh. Những chất thải và các mầm bệnh này sẽ ảnh hưởng và gây bệnh cho các chu kỳ nuôi tiếp. Dựa vào các đặc tính mùa vụ của tôm, có thể nuôi xen canh trên một ao, giúp cho các đối tượng mới không bị nhiễm những mầm bệnh của các chu kì nuôi trước và chúng có thể tiêu diệt được các mầm bệnh đó. Ví dụ như sau một chu kỳ nuôi tôm, nên nuôi cá rô phi hay trồng rong câu bởi chúng có thể dọn và làm giảm các mầm bệnh trong đáy ao, vì những mầm bệnh virus ở tôm không gây bệnh cho cá rô phi và rong câu.
Cho ăn hợp lý
Lựa chọn thức ăn phù hợp, chất lượng đảm bảo, góp phần giúp tôm phát triển thuận lợi. Người nuôi cần lựa chọn thức ăn phù hợp với nhu cầu của tôm nuôi cũng như các tiêu chí cụ thể của từng trang trại. Đồng thời, việc cho tôm ăn cần phải cân nhắc dựa trên đặc điểm của từng loại tôm: nhu cầu đạm, tập tính bắt mồi, vận động liên tục, đường ruột ngắn, hệ thống miễn dịch, hoạt động lột xác... Người nuôi cần theo dõi các yếu tố môi trường để điều chỉnh cho tôm ăn với lượng thức ăn thích hợp tránh cho ăn dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước tạo cơ hội cho các khí độc, các mầm bệnh tấn công. Tôm thường bơi ngược dòng nước và di chuyển rộng ở khu vực cho ăn. Do đó, cần rải thức ăn theo dòng nước chảy và rải đều ở khu vực cho ăn để tôm bắt mồi dễ dàng, ăn đều, kích cỡ tôm cũng được đồng đều. Khu vực gom chất thải cần đánh dấu, tránh rải thức ăn vào nơi có nền đáy không sạch, khí độc ảnh hưởng đến tôm.
Sử dụng các chất bổ sung
Men vi sinh: Men vi sinh hay còn gọi là chế phẩm sinh học có thành phần là các vi sinh vật sống có lợi, giúp tăng cường hệ vi sinh đường ruột, nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể vật chủ chống lại vi khuẩn gây bệnh. Các giống vi sinh được sử dụng phổ biến là: Lactobacillus sp, Bacillus sp, Enterococcus, Saccharomyces... Tuy nhiên mỗi giống vi sinh vật sẽ có công dụng, vật chủ và cách dùng khác nhau, do đó việc sử dụng đúng là lựa chọn loại probiotics phù hợp với công dụng của từng chủng vi sinh.
Vitamin C: Tôm là loài động vật biến nhiệt, thay đổi nhiệt độ rất lớn phụ thuộc vào môi trường. Đặc điểm này làm cho tôm không có khả năng tổng hợp vitamin trong cơ thể, khiến tỷ lệ vitamin không đủ. Chính vì vậy, bổ sung Vitamin C cho tôm được xem là việc cần thiết nhằm hỗ trợ tôm sinh trưởng tăng khả năng miễn dịch và kháng bệnh. Người nuôi nên bổ sung thường xuyên vitamin C vào thức ăn cho tôm khi thời tiết thay đổi hoặc xung quanh ao nuôi có dịch bệnh nhằm tăng cường sức khỏe, đề kháng cho tôm. Liều lượng bổ sung phù thuộc vào loại vitamin C, chủ yếu khoảng 500 - 1000 mg/kg thức ăn.
*Lưu ý: không sử dụng Vitamin C với kháng sinh, vì vitamin C là axit, khi kết hợp với kháng sinh sẽ không có tác dụng.
β-glucan: Hiên nay, các hợp chất β-glucan được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản như là một chất kích thích miễn dịch (immunostimulant) đối với tôm, cá nuôi. β-glucan có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh gây ra bởi các nhóm vi sinh gây bệnh, thậm chí ngăn chặn tác động của virus đốm trắng (WSSV) trên tôm. Các hợp chất chiết xuất từ β-glucan thường được dùng cho tôm qua đường ăn. Tác dụng trong tất cả các giai đoạn phát triển của tôm. Giúp giảm hệ số chuyển đổi thức ăn, kích thích tiêu hóa, phòng các bệnh đường ruột, nhiễm trùng do vi khuẩn, virus.